Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

search
Hương vị quê nhà
Sương sâm - thức uống giải nhiệt ngày hè
AT - Một hôm, về quê ngoại nhìn thấy những dây sương sâm do ngoại trồng bò lút hàng rào. Tôi mừng rỡ như bắt gặp lại người thân bấy lâu xa vắng. Tôi hỏi xin ngoại, và vội vàng xuống nhà sau lấy rổ ra trước sân hái những lá sương sâm đem vào nhà nhờ ngoại vò ăn.
Dây leo sương sâm


Sương sâm là loại dây leo hoang dại có sức sống mãnh liệt, mọc quanh năm nơi các bờ vườn ở miền Tây. Y học dân gian cho biết lá sương sâm có tính mát, nhuận tràng, hạ nhiệt, giải độc. Rễ làm thuốc chống sốt. Thân, lá phối hợp với các vị thuốc khác trị bệnh lỵ. Và  theo ngoại, mùa hè ăn sương sâm thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe... Tôi chăm chú lắng nghe ngoại nói, cùng những lời ân cần chỉ dẫn của ngoại về cách chế biến món ăn này.
Theo ngoại, ai cũng nghĩ chế biến món này rất đơn giản. Chỉ cần rửa sạch lá, cho vào cối xay sinh tố với một ít nước xay, dùng vợt lược lấy nước, bỏ xác là xong! Nhưng thực tế không phải vậy, làm như thế là hỏng, nước sương sâm sẽ lõng bõng không đông. Sương sâm là thức ăn quê dân dã, cho nên mọi khâu chế biến phải sử dụng thủ công mới được! Muốn có miếng sương sâm ngon, chất lượng (dai, giòn, màu xanh bắt mắt) phải có những bí quyết nhỏ.
Trước hết là khâu chọn lá. Lá sương sâm ngon không phải là lá mỏng, mượt mà, mà phải là lá già, dày, có màu xanh sậm (khi vò có nhiều nhựa, dai, không bở). Lá được ngắt cuống, phơi héo, rửa sạch, cho vào rổ để ráo. Tiếp đến cho lá sương sâm vào thau, đổ một lượng nước nấu chín để nguội thích hợp để sương sâm khi đông không quá mềm cũng không quá cứng. Dùng tay vò nát lá trong nước sao cho dịch nước trong lá hòa tan vào nước có màu xanh thẫm và có độ sánh. Cuối cùng, cho dịch nước sương sâm vào vợt lược lấy nước cho vào thau (bỏ xác) và đem nước sương sâm ra phơi nắng khoảng 30 phút, sương sâm đông cứng lại, cho vào ngăn lạnh là xong! Sương sâm khi đông có vị nhạt, phảng phất mùi lá cây. Vì thế ta phải thêm đường, nước đá vào món giải khát này mới ngon và hấp dẫn.
Còn gì thú vị cho bằng trong buổi trưa hè lao động mêt nhọc được thưởng thức ly sương sâm ngọt thanh, thơm mát. Múc một miếng sương sâm màu xanh thẫm cho vào miệng nhai từ từ. Vị dai của sương sâm hòa lẫn vị mát lạnh của đá, ngọt của đường, béo của nước cốt dừa, thơm của dầu chuối như kích thích mọi giác quan, xua tan đi cái nóng oi ả của ngày hè...

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Một loài cây mọc dại có rất nhiều ở vùng QN-ĐNẵng






MUỒNG TRÂU





Cây Muồng trâu


MUỒNG TRÂU

Tên khác: Muồng lác

Tên khoa học: Cassia alata L., họ Đậu (Fabaceae).

Mô tả:

Cây nhỏ cao 1,50m có khi đến 3m, thân gổ mềm có đường kính 10 - 12cm hoặc hơn. Lá kép lông chim chẵn, dài 30 - 40cm, có 8 - 14 đôi lá chét. Lá chét hình trứng, gốc và đỉnh lá đều tròn. Đôi lá chét đầu tiên (phía cuống) nhỏ nhất và cách đôi lá chét thứ  hai một quãng hơi xa hơn so với quãng cách giữa các đôi lá chét sau. Lá chét trên cùng có thể dài đến 12 - 14cm, rộng 5 - 6cm. Cụm hoa mọc thành bông dày đặc nhiều hoa. Bông dài 30 - 40cm. Hoa màu vàng sẫm. Quả loại đậu dài 8 - 16cm rộng 15 - 17mm, có hai cánh suốt theo chiều dọc của qủa. Qủa có tới 60 hạt.

Phân bố: Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, có nhiều ở miền Nam và miền Trung.

Thu hái: Thu hoạch vào mùa hạ, hái lấy lá, phơi âm can, hoặc sấy nhẹ hay sao đến khô.

Bộ phận dùng: Lá (Folium Cassiae alatae), quả, thân.

Tác dụng dược lý:

Nghiên cứu gần đây ở nước ngoài cho thấy lá muồng trâu có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn, vì vậy cho rằng có triển vọng làm thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS.

Cao lá muồng trâu có tác dụng bảo vệ gan tốt, thể hiện trên tác dụng làm giảm có ý nghĩa thống kê 73,58 % hoạt độ ALT và 31,32 % hàm lượng bilirubin ở chuột nhắt trắng bị gây viêm cấp bằng CCl4.

Cao nước lá muồng trâu có tác dụng ức chế xơ gan, làm giảm 12,64 % hàm lượng collagen ở gan chuột cống trắng bị gây xơ gan bằng CCl4 ( P < 0,01 ).

Cao nước lá muồng trâu có tác dụng chống viêm mạn tốt, làm giảm 26,6 % trọng lượng u hạt ở chuột cống trắng bị gây bởi amian (P < 0,05 ).

Cao nước lá muồng trâu có tác dụng lợi mật, làm tăng 39,64 % lượng mật sinh ra ở chuột nhắt trắng.

Cao nước lá muồng trâu có triển vọng trong nghiên cứu làm thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan cấp và mãn tính.

Thành phần hoá học:

- Trong lá, quả và rễ đều có chứa các dẫn chất anthranoid. Trong lá có các chất sau đã được phân lập và xác định: chrysophanol, aloe emodin, rhein, emodin.

- Trong rễ có 2 dẫn chất anthraquinon đã được phân lập: (Tiwari Ram.D. và Yadava D.P. 1971): 1,3,8-OH, 2-CH3 -anthraquinon; 1,5-OH, 2-CH3 , 8-OCH3, 3-O-glucosyl anthraquinon.

- Rai K. N; Prasad S. N chiết xuất và phân lập được 1,5- dihydroxy- 2- methyl anthraquinon- 1,0- netinosid từ cành muồng trâu.

- Hemlata Kalidhar cũng chiết xuất được một anthron từ cành và xác định 3.formyl,  1,6,8,10- tetrahydroxy anthron.

- Năm 1993, Hamlata Kalidhar đã chiết từ cành một chất đặt tên là alatinon với cấu trúc là 1,5,7- trihydroxy- 3- methyl anthraquinon.

Sau đó, Kelli T. Rosa, Ma. Zeukun, KuWei đã xác định lại cấu trúc của alatinon là 1,6,8- trihydroxy- 3- methyl anthraquinon. Như vậy alatinon thực chất là emodin.

- Hemlata Kalidhar S.B đã phân lập một anthraquinon đặt tên là alatonan có cấu trúc là 2.formyl, 1,3,8- trihydroxy anthraquinon.

Từ dịch chiết cồn của lá muồng trâu, planichamy S.và Nagarajan S đã tách riêng một flavonglucosid là kaempferol - 3 – O – sophorosid. Chất này có hoạt tính chồng viêm khá mạnh.

- Hai chất flavonosidglucosid mới cũng được Gupta Dipti; Singh J. tách từ hạt muồng trâu là chrysoeriol - 7 – O - (2’’ – O - β - D – manno pyranosid) - β - D –allopyranosid và rhamnetin – 3 – O – (2’’ – O - β - mannoipyranosyl) - β - D – allopyrannosid.

- Trong hạt muồng trâu còn có khoảng 15% protein. Các acid béo không no khoảng 60% , lượng acid béo toàn phần chủ yếu gồm các acid béo 18 carbon. Ngoài ra, còn có các chất như Ca, Mg, Na, Mn, trong đó Ca chiếm tỷ lệ cao nhất (17mg/100g).

Công năng: Nhuận gan, tiêu độc, tiêu viêm, tiêu thực, nhuận tràng, sát trùng, chỉ dương (ngừng ngứa).

Công dụng:
Chứng táo bón, nhiều đờm, phù thũng, đau gan, da vàng. Dùng ngoài chữa hắc lào, viêm da thần kinh, thấp chẩn.

Cách dùng, liều lượng:

- Ngày dùng 4-5 g (nhuận tràng), dạng thuốc sắc.

- Dùng ngoài: Lượng thích hợp, rửa sạch và cạo tróc vẩy hắc lào, giã nát lá, lấy nước cốt bôi, một ngày 2 lần, hoặc lấy lá tươi vò, sát vào chỗ bị hắc lào.

Bài thuốc:

1. Chữa táo bón: Muồng  trâu 20g, Chút chít 20g, Đại hoàng 4-6 g sắc uống trong ngày.

2. Chữa hắc lào:

+ Lá muồng trâu tươi giã nát, lấy nước bôi thêm ít muối hoặc dịch quả chanh tác dụng càng mạnh hơn.

+ Lá muồng trâu đem nghiền nát. Đổ vào đó nước đun sôi có pha natri fluorid, để yên trong 24h, rồi lọc qua vải. Thêm vào bã ít cồn 900, ngâm 24h rồi ép lấy cồn. Hợp cả cồn và nước lại, có tới độ cao mềm. Cao này có thể bảo quản không bị mốc do có natri fluorid. Có thể chế thuốc 1/5 từ cao.

3. Chữa thấp khớp: Muồng trâu 40g, vòi voi 30 g, Tang ký sinh, Quế chi, Dứa dại, dễ Cỏ xước, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang trong 7-10 ngày.

4. Chữa viêm thần kinh tọa: Muồng trâu 24g, cây lức 20g, Thần thông, rễ Nhàu, Kiến cò, mỗi vị 12g, Đỗ trọng 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

5. Chữa ban trái (ban chẩn): Lá Muồng trâu 8g, Hương bài 10g, đọt Tre non, Ké đầu ngựa, Mùi tàu, cây Lức. mỗi vị 8g, Mức hoa trắng 6g, vỏ Quýt 4g, Đăng tâm 2g, sắc uống ngày 1 thang.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Nghề làm tương

by Dongngan Doduc on Monday, August 13, 2012
Từ bé tôi đã quen thuộc với tương. Đến bữa ăn mẹ tôi thường ra mở nắp chum, dùng cái giuộc làm bằng nứa ngộ múc tương làm nước chấm. Bà cẩn thận nghiêng bát ghé sát vào miệng chum cho tương khỏi rớt ra ngoài. Tương là loại nước chấm có mùi thơm ngát của gạo đỗ lại thoáng vị chua nhẹ, ngửi thấy là dễ ứa nước miếng. Người ta bảo nước mắm ngon để rớt vào áo quần nó rịn mùi cả tuần. Tương thì cũng vậy thôi, để rớt vào quần áo, ai ngồi gần lại tưởng cứ thấy nhan nhát mùi chua.Trong đời sống nông thôn, tương ở với mọi nhà. Dùng tương kho cá kho cà, làm nước chấm rau chấm dưa. Món thịt vịt, gân guốc bò mà thiếu tương gừng thì còn gì là ngon. Những lúc trong bếp không còn thức ăn thì tương là món dự phòng tin cẩn. Mẹ tôi có lúc đã chưng tương với chút mỡ lợn, cho xuống vài dọc hành thế cũng là đủ mặn mòi cho bữa ăn đạm bạc.
 Nguyên liệu làm tương chỉ có mấy thứ: đỗ lạng, nếp cái hoa vàng và muối trắng. Đỗ lạng là loại hạt nhỏ vỏ xanh làm tương mới ngon. Giống này có nhiều ở vùng Bắc Giang và Lạng Sơn. Nếp cái hoa vàng thì có ở khắp nơi, là bậc vương giả trong hàng lúa nếp. Tháng ba cho đến tháng Năm, mùa rau muống mọc cũng là mùa làm tương. Gạo nếp xay, sàng xẩy sạch từng vỏ trấu đem ngâm nước đồ lên cho chín nục mà vẫn nguyên hạt gạo. Khi đó mới dỡ nếp ra nia cho bốc hơi nguội dần, dùng đũa cả tãi nia xôi ra không cho đọng nước. Đỗ  phơi nắng cho khô giòn, nhặt kĩ không để lẫn hạt lép hạt thối, rồi vo qua nước cho sạch, để ráo. Sau đó đem rang nhỏ lửa cho đỗ chín nục. Nếu còn lẫn hạt sống sẽ thối mẻ tương.
Làm mốc là việc khó nhất và cũng là cái quyết định cho mẻ tương ngon. Khi hạt xôi làm tương sau một hai ngày se se vỏ thì đem vun đống lại như mâm xôi, để ở chỗ thoáng, phủ lá nhãn lên trên giữ độ nóng ẩm, nhưng phải để ý không cho nước hấp hợi. Đôi ba ngay sau, gạo xôi bắt đầu lên mốc, từng đám màu vàng nhạt. Lúc ấy bớt dần lá nhãn cho đến khi thấy mốc vàng hoe lan tỏa trùm phủ kín nia xôi, thì đó là mẻ mốc đã thành công. Chỉ việc tãi mốc bóp cho tơi ra rồi đem phơi thật khô giòn, gói kín lại.
Đỗ tương rang ròn chín nục không để cháy vỏ, cho vào cối đá xay dập vỡ đôi vỡ ba là được. Sau đó cho vào chum sạch tra đủ lượng muối, đổ nước sạch khoắng đều rồi hàng ngày mở nắp đem phơi dưới nắng cho ngấu, tối đậy điệm cẩn thận. Chừng đôi tuần một tháng, mặt nước đỗ nổi váng nhẹ,  nếm nước đỗ thấy ngọt là đến lúc ngả tương.
Ngày ngả tương mẹ tôi dậy sớm chuẩn bị đem mốc ra thúng để cạnh chum nước đỗ đã ngấu. Bà tay vốc cho từng nắm mốc vào, tay kia dùng cây đũa dài như mái chèo thu nhỏ khoắng nhẹ, vừa khoắng vừa lắng nghe tiếng nước óc ách xem nước ngấm đều chưa dù tất cả đã có tỉ lệ gạo đỗ và lượng nước được mẹ ao từ trước. Xong việc thì tối phủ miệng chum bằng nắp sành, ngày mở ra hong nắng cho tương mau chín. Chừng nửa tháng thì đem là chuối khô bịt chặt, buộc dây đậy nắp. Cũng có thể úp bát sành rồi trộn đất với trấu trát cho kín. Chờ ba tháng tương ngấu ngọt là có thể lấy ra ăn. Tương ban đầu có màu vàng nhạt. Để lâu sẫm dần lên màu cà phê. Đem tương chiết ra chai, nút lá chuối cất chỗ cao ráo để lâu mười năm tương càng ngon càng ngọt. Trước đây nông thôn đâu dễ kiếm ra vỏ chai, thành ra tương để luôn trong chum. Thả vào chum tương dăm trái ớt,  càng tăng vị thơm đậm. Đôi khi bát úp không kín, ruồi dấm lọt vào đẻ trứng nở ra con hua tương trắng như đầu tăm, nhưng tương không bị hỏng. Tương chỉ kị nước lã rớt vào lúc mới ngả, nó dễ làm tương thối. Đó là cách làm tương ở Bắc Ninh của mẹ tôi.27/7/2009

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Tiếng rừng

 
 
cụm si khủng ở Buôn Đôn



1-Bạn đã có lúc nào ngồi lặng lẽ quan sát thiên nhiên chưa? Bạn hãy nhìn xem, cây cao tuy át cây nhỏ nhưng bão tố nó chịu lay động đầu tiên. Thậm chí nó còn rủ bóng mát che chở cho cây nhỏ dưới chân được bình yên. Hãy ngắm rừng, cây nào cỏ nào vật nào chỗ ấy. Cây lau, cây giang cây nứa thì mọc ven khe có nước. Cây thành ngạnh gỗ sắt lại như thép bởi nó chịu đựng được ở nơi khan nước. Lá lim rụng xuống suối nhả ra chất độc không sinh vật gì sống được nên nước suối rừng lim mới trong vắt, cây cỏ li tán dưới chân nó. Gỗ lim nằm trong nhóm tứ thiết mộc bền chắc nhưng chỉ để làm cánh cửa hay khung tủ vì nếu làm giường nằm, làm bàn ghế tiếp xúc thường xuyên sẽ rất mệt mỏi vì trong gỗ nhả ra hơi độc. Cây trám thuộc loại gỗ tạp nhưng lại cho trái ăn được nuôi sống con người. Hỏi có cây  nào trong tứ thiết mộc cho trái ăn được. Là gỗ tốt, nó chỉ chăm lo cho thân nó tốt, ngoài ra chẳng còn gì khác.
2- Cây lúa cho hạt gạo nuôi sống con người nhưng thân lúa yếu đuối mềm như bún. Cây chuối cho quả ăn được nhưng cũng yếu rợt. Hiếm có loại cây quả nào nuôi sống con người mà thân gỗ được nằm vào hàng gỗ tốt. Đó là sự hi sinh tự nguyện thân mình cho cuộc sống phát triển. Những loại cây nuôi con người thường lớn nhanh cho kịp cuộc sống hối hả. Sự chia sẻ của cây với cuộc sống làm cho chúng có tuổi thọ ngắn, nhưng giống loài nó lại tồn tại mãi với con người. Còn gỗ nhóm một nhóm hai phải sống đến trăm năm mới thành, khi lớn lên, cây cao lừng lững, tán lá xum xuê nhưng cô đơn vì có loài nào sánh chiều cao bằng nó, thân cứng như nó!.

3- Con người khôn ngoan biết nói ra câu người nào vật nào chỗ ấy, thiên nhiên không nói, mà nó tự nguyện như thế từ ngàn đời nay. Cho nên từ đất phù sa màu mỡ đến đất bạc màu đá ong cát sỏi đến vùng cao núi đá luôn có cây xanh phủ bóng. Cây ở chỗ nhiều nước thì không có mặt ở núi cao, đất nào cây ấy không thể sống lộn. Nhầm chỗ là chúng không tồn tại. Có gắng gượng tồn tại thì cũng không phát triển được. Cây cối khác con người ở chỗ ấy.

4- Thiên nhiên công bằng hơn con người. Vì thói quen chiếm đoạt mà con người nghĩ ra lắm cách bòn rút thiên nhiên bòn rút đồng loại. Nhưng nếu con người biết quan sát thiên nhiên thì sẽ học được từ thiên sẽ biết sống nhân ái hơn, không còn cảnh nhầm chỗ và hoang tưởng để rồi chen lấn đồng loại. Cũng một lẽ, đời một con người  sống đến cả trăm tuổi cũng là quá ngắn so với thiên nhiên trường cửu, nên sự tham lam vơ váo có lẽ xuất phát cũng từ đó.
Bởi thế mà trời mới cho con người một lần người lớn hai lần trẻ con để con người hiểu cuộc đời hơn.

19/1/2010

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Gia Đình Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (1968)

Gia Đình Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (1968)
Phu nhân: Nguyễn Thị Mai Anh
Con gái: Nguyễn Thị Tuấn Anh
Con trai: Nguyễn Quang Lộc,
Con trai út Nguyễn Thiệu Long không có mặt trong ảnh này.